Giỏ hàng

Cá bị bệnh: chẩn đoán và cách điều trị

Một trong những vấn đề khiến người nuôi cá lo lắng chính là khi cá bị bệnh. Bài viết dưới đây KOIKA xin chia sẻ một số thông tin hữu ích về cách chăm sóc, nhận biết khi cá của bạn bị bệnh, vì phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh.

1. Chăm sóc cá

Một chế độ chăm sóc phù hợp sẽ có ích trong việc phòng bệnh cho cá. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ về loại cá mà bạn đang nuôi qua các thông tin sau:

1.1 Tìm hiểu về loại cá bạn sẽ mua

Một số thông tin cần thiết bạn cần tìm hiểu như: đặc tính loài cá bạn sẽ nuôi, kích thước hồ, nhiệt độ ưa thích của cá, thức ăn và các thiết bị cần thiết.

1.2 Quan sát hành vi

Việc thường xuyên quan sát cá sẽ giúp bạn hiểu được trạng thái của cá trong lúc bình thường. Vì thế, khi cá có điều gì bất ổn, bạn sẽ dễ dàng nhận biết được.

Cá là loài rất dễ bị căng thẳng, từ đó có thể dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch của của cá. Nhằm đảm bảo bạn đang cung cấp một môi trường trong sạch, ít căng thẳng cho người bạn dưới nước của mình, bạn cần bảo dưỡng và chăm sóc thường xuyên các yếu tố sau:

  • Thường xuyên lau dọn hồ cá

Việc thay nước 2 tuần/lần giúp cho hồ cá không sinh sôi tảo cũng như các vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, hê thống lọc cũng cần được vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ.

  • Không cho cá ăn quá nhiều

Cho cá ăn nhiều không những làm bẩn nước trong hồ mà còn có thể khiến cá bị bệnh. Việc cung cấp một chế độ ăn uống bổ dưỡng và đa dạng cũng là điều bạn cần lưu ý.

  • Hồ cá đủ lớn

Không nên thả cá với mật độ dày trong hồ. Cá cần có không gian để được tung tăng bơi lội, làm giảm stress đến từ các yếu tố bên ngoài.

  • Các loại cá trong hồ phải tương thích với nhau

Trước khi mua cá về, bạn cần tìm hiểu loài cá này có tương thích và chung sống hòa bình với các loài khác hay không. Tránh tình trạng các loại cá xung đột, có thể làm chết cá và gây thiệt hại.

  • Theo dõi và duy trì nhiệt độ nước

Các loại cá nhiệt đới cần sống trong môi trường nước ấm, vì thế bạn cần bố trí nhiệt kế để có thể theo dõi và cung cấp cho cá nhiệt độ phù hợp nhất.

  • Thường xuyên kiểm tra nước

Nhiều cá bị bệnh là do người nuôi cá không kiểm soát được thông số nước. Việc kiểm tra thường xuyên giúp bạn ngăn ngừa căng thẳng và bệnh tật hơn là tìm cách điều trị bệnh cho cá.

colourful sick fish

2. Cách nhận biết khi cá bị bệnh

Nếu bạn nhận thấy cá có những biểu hiện bất thường như kém linh hoạt, thích ẩn mình hoặc không ăn như mọi khi, thì đó là những dấu hiệu cá đang trong tình trạng căng thẳng.

Trước tiên, bạn hãy kiểm tra những thứ bạn có thể dễ dàng nhìn thấy như: hồ có sạch và được bảo dưỡng tốt hay không? Có con cá nào hung dữ trong hồ không? Nhiệt độ trong hồ có thích hợp hay không? Sau khi loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng bạn có thể nhìn thấy, nếu biểu hiện bất thường của cá vẫn không thay đổi, có thể cá đang bị bệnh.

Hãy quan sát và tìm ra các triệu chứng của bệnh. Nếu cá có một số triệu chứng sau, chứng tỏ cá đang bị nhiễm nấm và vi khuẩn:

  • Chán ăn hoặc nôn trớ các thức ăn trước đó.
  • Lười biếng, lười vận động, hoặc có thể nằm dưới đáy hồ trong thời gian dài.
  • Đổi màu sang các sắc thái mờ hơn, thậm chí là màu xám.
  • Trên mình có vết trầy, vết loét hở không lành.
  • Có những mảng trắng, khối u, hoặc đốm trên mình.
  • Đuôi hoặc vây cứng lại, có khi bị đứt.

3. Một số loại bệnh cá hay mắc phải:

  • Bệnh đốm trắng: là các đốm trắng nhỏ như những hạt muối nổi trên da hoặc vây cá.
  • Bệnh nấm: có vài loại nấm xuất hiện dưới dạng lông tơ trắng, phát triển trên cơ thể cá.
  • Bệnh thối vây, đuôi: nhìn như các vây bị rách hoặc sờn. Cá bị biến màu và nhìn lờ đờ.
  • Bệnh lồi mắt: mắt bị thương tổn như viêm mắt, lồi mắt, chảy máu mắt.
  • Bệnh giun: mang cá bị sưng phù và có triệu chứng thở gấp, thường cạ mình vào các đồ vật trong hồ.
  • Bệnh lở loét: thường gặp ở những loại cá có vết thương hoặc sức đề kháng yếu.
  • Bệnh Gill Mites: nhìn như các sinh vật nhỏ bám vào mang cá.

Nếu cá có một hoặc một vài triệu chứng như trên, cách tốt nhất là bạn cách ly ngay lập tức để tránh lây bệnh cho đồng loại trong hồ. Sau đó, hãy gởi thông tin đến bác sĩ thú y để có cách điều trị phù hợp. Tuy nhiên, hạn chế vận chuyển cá ít nhất có thể, vì điều này có thể khiến cá của bạn thêm căng thẳng.

So với các loại “pet” khác, cá được xem là vật nuôi ít tốn thời gian chăm sóc. Tuy nhiên chúng vẫn có thể bị bệnh bởi các lý do như khi bị di chuyển nhiều, chất lượng nước kém, nhiệt độ bị dao động hoặc cho ăn quá mức. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích. Chúc bạn có một hồ cá đẹp với những chú cá khỏe mạnh.