Giỏ hàng

Kiến thức chăm sóc cá cảnh cho người mới tập chơi

Từ lâu, nuôi cá cảnh đã trở thành thú vui của nhiều người. Nuôi cá cảnh không chỉ để trang trí cho ngôi nhà hay khuôn viên của bạn thêm đẹp, giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống bộn bề, với nhiều người, nuôi cá cảnh còn đóng vai trò quan trọng trong phong thủy. Vậy làm sao để việc nuôi cá được đơn giản, nhẹ nhàng, cá được phát triển khỏe mạnh nhất có thể? KOIKA xin tổng hợp một vài kiến thức chăm sóc cá cảnh cho người mới tập chơi trong bài viết dưới đây nhé.

1. Chọn hồ cá phù hợp

Thông thường, khi chọn hồ cá, bạn cần xác định kích thước của hồ bằng cách đo chiều cao, chiều rộng và chiều dài. Việc này giúp bạn có thể tính thể tích nước trong hồ sao cho phù hợp. Theo đó, thể tích hồ được tính theo công thức: chiều rộng x chiều cao x chiều dài.

Với những hồ nhỏ, bạn nên thả cá với mật độ vừa phải. Việc thả cá quá đông khiến cá thiếu oxy và nguồn nước nhanh bị vẩn đục.

2. Xác định vị trí đặt hồ cá

Với những người quan tâm đến phong thủy, việc đặt hồ cá ở vị trí nào còn tùy thuộc vào người chơi cá. Hướng Đông Nam thuộc cung Phú quý, có ý nghĩa mang lại sự giàu sang, phú quý. Hướng Tây Bắc thuộc cung Quan lộc, mang đến nhiều tài lộc và may mắn.

3. Kiến thức chăm sóc cá cảnh cho người mới tập chơi

3.1 Nguồn nước

Nguồn nước đóng vai trò quan trọng việc nuôi cá cảnh. Nhiều người mới chơi cá hay gặp phải tình trạng cá chết mà không hiểu vì sao. Các nguồn nước hiện nay đều chứa khí Clo, vì thế, trước khi tiến hành việc thả cá vào hồ, bạn cần tiến hành việc khử trùng nguồn nước. Có nhiều cách xử lý khác nhau tùy theo từng nguồn nước.

3.1.1 Đối với nước máy

Nước máy được đổ ra xô, chậu và để ở nơi thoáng khí, không đậy kín trong vòng 24h để khí Clo bay hết, hoặc sử dụng máy sục oxy để làm sạch nước, sau đó có thể sử dụng nuôi cá rất tốt. Nếu không xử lý clo thì lượng cá chết rất cao, có khi lên đến 95%.

3.1.2 Đối với nước giếng

Đa phần nước giếng đều có chứa phèn. Vì thế, để xử lý nguồn nước này, bạn cần cho nước vào xô, chậu, sau đó cho một lượng than hoạt tính (than chiếm 1/3 thể tích nước). Tuyệt đối không thả than trực tiếp vào hồ cá.

Bên cạnh đó, cần sủi oxy và tăng độ pH trong nước giếng lên vì lượng pH trong nước giếng khá thấp (4,5 trong khi cá thích hợp với độ pH khoảng 6.5).

Bạn có thể tăng pH bằng sản phẩm Koika pH+. Đây là sản phẩm chuyên dùng cho hồ cá, giúp tăng độ pH một cách tự nhiên, giữ độ pH bền vững, bên cạnh đó còn có công dụng làm trong nước hồ cá.

3.1.3 Đối với nước mưa

Nước mưa rất mát, phù hợp nuôi cá trong mùa hè. Tuy nhiên loại nước này dễ làm tảo, rêu phát triển. Hơn nữa, nếu dùng nước mưa, bạn cần tăng độ pH và sủi oxy như cách làm với nước giếng. Thêm một điều cần lưu ý là nước mưa ở các thành phố lớn chứa nhiều chất độc hại.

3.2 Thay nước hồ cá

Bạn không nên thay nước trong hồ cá thường xuyên. Chỉ nên thực hiện 1-2 tuần/lần, sẽ giúp cá thích nghi được với môi trường nước.

Khi thay nước, bạn nên hút khoảng 20-50% lượng nước trong hồ để cá dễ thích nghi với môi trường mới, đồng thời không bị sốc nước. Hạn chế việc di chuyển cá trong thời gian vệ sinh hồ cá. Trong trường hợp cần thiết, bạn cần thiết lập cho độ pH của 2 hồ phải tương đương nhau.

Thường xuyên chùi rửa hệ thống lọc nhằm loại bỏ chất thải cũng như thức ăn dư thừa của cá.

3.3 Cách thả cá vào hồ

Khi mua cá về, tuyệt đối không thả cá trực tiếp vào hồ. Trước khi thả cá vào hồ, bạn cần ngâm túi cá trong hồ 30 phút. Tiếp theo, nhằm dung hòa mực nước trong hồ, bạn múc một ít nước trong hồ đổ vào túi cá. Sau đó từ từ thả miệng túi xuống để cá nhẹ nhàng bơi ra. Tuyệt đối không đổ cá một cái ào, dễ làm cá bị sốc.

3.4 Cách cho cá ăn

Loài cá cứ thấy mồi là đớp. Vì thế, khi thả mồi xuống, thấy cá đớp liên tục, nhiều người lầm tưởng cá bị đói, thế là cho ăn liên tục dẫn dến cá bị sình bụng và chết. Tốt nhất bạn nên cho cá ăn 2 lần/ngày với lượng thức ăn vừa đủ, vừa giúp cá khỏe mạnh và hệ sinh thái phát triển tốt hơn.

Bạn có thể kết hợp thức ăn với men vi sinh dành cho cá. Men vi sinh cung cấp các vitamin thiết yếu như vitamin A, E, B1, B2, B5, B6... để cá không cần ăn nhiều nhưng vẫn hấp thụ dưỡng chất, cá khỏe và mau lớn. Men vi sinh còn có công dụng phân hủy chất thải của cá, phân hủy thức ăn dư thừa có trong bể, giúp nước trong hơn, môi trường sống của cá vì thế cũng lành mạnh hơn.

3.5 Ánh sáng, nhiệt độ phù hợp

Hồ cá nên đặt ở nơi thoáng mát, hạn chế tác động từ nắng, mưa.

Nhiệt độ tốt nhất trong hồ khoảng 25-28 độ C. Với những người chơi cá ở khu vực miền Nam thì không cần quá quan tâm đến nhiệt độ. Riêng khu vực miền Bắc và các tỉnh lân cận, người chơi cần trang bị nhiệt kế để đo nhiệt độ nước cùng với sử dụng cây sưởi để thiết lập nhiệt độ phù hợp cho hồ cá.

Bật đèn trong vòng 8 tiếng, mỗi 4 tiếng nghỉ 30 phút và nên tắt đèn vào ban đêm để cá được nghỉ ngơi.

Việc cung cấp oxy cho cá là điều cần thiết, nên bật oxy cho cá 24/24.

Hy vọng những kiến thức chăm sóc cá cảnh cho người mới tập chơi giúp bạn có thêm kinh nghiệm cũng như có những người bạn dưới nước khỏe mạnh. KOIKA chúc các bạn thành công!