Giỏ hàng

Cách chăm sóc Cá Koi và những điều cần lưu ý

Cá Koi được mệnh danh là Quốc Ngư của Nhật Bản còn được gọi là Cá chép Nishikigoi với các màu sắc rực rỡ, có ý nghĩa phong thủy mang lại may mắn, được nhiều người dân Việt Nam và thế giới yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về loại cá thường được nuôi trong hồ thủy sinh này. Hãy cùng KOIKA tìm hiểu ngay đặc điểm, cách nuôi và cách chăm sóc cá Koi nhé.

1. Đặc điểm của Cá Koi

Cá Koi là loài cá cũng rất dễ nuôi. Hiện nay trên thới giới có đến khoảng hơn 100 giống cá Koi khác nhau, tuy nhiên đều mang những đặc điểm chung về hình thái sau:

  • Thường có thân hình đẹp, màu sắc đa dạng nên thích hợp sử dụng để trang trí bể cá cảnh trong nhà.
  • Có thể tăng trưởng từ 50 – 150mm mỗi năm, tuổi thọ cá Koi trung bình từ 25 – 35 năm. Tuy nhiên có những trường hợp nuôi cá Koi trong ao thì tuổi thọ có thể lên đến hơn 200 tuổi.
  • Có vảy và đầu hơi gù, có vây ở ngực, lưng, bụng và đuôi cá.

2. Tập tính ăn uống

Cá Koi là loài cá ăn tạp, tuy nhiên vì là dòng cá cao cấp nên thức ăn cũng cần đảm bảo vệ sinh:

  • Đối với cá Koi con: thức ăn bằng sinh vật phù du, bột đậu nành pha loãng, bobo,…
  • Đối với Koi đã cứng cáp: sử dụng động vật tầng đáy như giun, loăng quăng, ốc, ấu trùng sinh sống ở hồ,…
  • Cá trưởng thành: có thể ăn thực phẩm như cám, bã đậu, thóc lép, thức ăn dạng viên đã chế biến sẵn.

Dù ăn tạp, nhưng bạn cũng không nên cho cá Koi ăn quá nhiều vì ảnh hưởng đến hình dáng và màu sắc của cá sau này.

3. Tập tính sinh sản

Cá Koi có thể đẻ sau 2 – 3 năm tuổi, thường đẻ vào ban ngày và đẻ được từ 150 – 200 nghìn trứng tùy vào môi trường và điều kiện sinh sống của cá. Cá là động vật thụ tinh ngoài nên sau khi cá đẻ xong thì cá đực sẽ bơi theo sau và thụ tinh lên trứng. Sau từ 40 – 50 giờ thì trứng nở.

4. Cách lựa chọn cá Koi

Chính vì những đặc điểm sinh trưởng và ý nghĩa phong thủy nên cá Koi được rất nhiều người yêu thích. Vậy làm sao để chọn một con cá Koi đẹp, sinh trưởng khỏe mạnh, cũng là một bước quan trọng trong quá trình chăm sóc Cá Koi. Sau đây là một số cách để bạn chọn Cá Koi cho đúng.

  • Không nên chọn cá có kích thước quá lớn: Đối với những gia đình nuôi bể cá Koi thì không nên chọn kích thước cá quá lớn so với bể, nên chọn cá có chiều dài từ 10 – 20cm.
  • Chọn cá có màu sắc sáng: Nên chọn dòng cá Koi có hoa văn rõ ràng, vây không bị xỉn màu, đường nét rõ vì đây là cá Koi thuần chủng có sức sống tốt.
  • Nên chọn cá có cơ thể thẳng, đối xứng và bề mặt cơ thể không bị trầy xước.
  • Lựa chọn con cá khỏe mạnh tự nhiên, bơi khỏe và bơi tốt.
  • Lựa chọn địa chỉ mua uy tín, chất lượng.

5. Cho cá ăn đúng loại thức ăn

Bạn có thể cho cá Koi ăn mọi loại thức ăn, cả khô và ướt, sống hoặc đông lạnh. Bạn có thể mua thức ăn vụn làm sẵn cho cá Koi với chế độ dinh dưỡng cân bằng, nhưng lưu ý, không chỉ cho chúng ăn thức ăn có hàm lượng protein cao, bạn nên cân bằng giữa hàm lượng protein và rau. Cho cá ăn 2 - 4 lần mỗi ngày với lượng thức ăn vừa đủ, để tránh thừa thức ăn làm bẩn nước gây bệnh cho cá.

Đặc biệt, nên bổ sung men vi sinh BACM cho cá, giúp cá ăn khỏe hơn, hấp thu tốt hơn, hạn chế các bệnh về đường ruột, tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy quá trình lên màu cho cá Koi.

6. Nhiệt độ, nồng độ PH và thức ăn

Mặc dù là dòng cá ăn tạp và có sức sinh trưởng cao nhưng bạn cũng cần lưu ý kỹ thuật nuôi cá Koi. Loại cá này thích hợp trong môi trường nước hơi kiềm, độ pH từ 7.2 – 7.3, yêu cầu lượng oxy hòa tan cao nên bạn cần bơm sục khí thường xuyên.

Nhiệt độ lý tưởng để cá sinh trưởng và phát triển là từ 20 – 25 độ C. Và nếu vào mùa đông nhiệt độ quá lạnh thì nên giảm lượng thức ăn đi.

7. Các bệnh thường gặp ở cá Koi

7.1 Cá Koi bị nấm trắng: Nguyên nhân gây ra cá Koi bị nấm trắng là do vi khuẩn nấm multifiliis Ichthyopthirius và môi trường sống không tốt khiến cho cá dễ bị nhiễm bệnh. Cách điều trị là bạn có thể sử dụng Tetracyclin 500mg để bón vào nước hoặc sử dụng thuốc BRONTOX để đặc trị nấm trên Koi. Và ngoài ra bạn cần phòng ngừa bằng cách điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, hạn chế dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước.

7.2 Cá Koi bơi lờ đờ: Nguyên nhân khiến cho cá Koi bơi lờ đờ, bỏ ăn và nổi đầu lên mặt nước là do lượng oxy hòa tan trong nước giảm, môi trường nước bị ô nhiễm hoặc do ký sinh trùng như Cryptobia, Chilodonella, Trichodina,… phát triển. Để xử lý bạn có thể thay nước, cải thiện hệ thống lọc nước, điều chỉnh lượng thức ăn hoặc tiến hành cách ly và tắm cá bằng muối ăn với nồng độ 2 – 3% để loại bỏ hết ký sinh trùng mang.

7.3 Hồ cá Koi bị bọt: Hồ cá bị bọt sẽ khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản và phát triển của cá. Nguyên nhân chủ yếu là do do hệ thống lọc không đảm bảo, thường xuyên thừa thức ăn hoặc cá bị bệnh tuột nhớt. Để xử lý tình trạng này thì bạn thay nước, sử dụng loại thức ăn chất lượng cao hoặc sử dụng thêm men vi sinh để bón cho hồ cá.

7.4 Cá Koi bị xuất huyết: Nguyên nhân là do vi khuẩn Aeromonas gây nên, để xử lý thì bạn có thể sử dụng thuốc potassium permanganate (thuốc tím) để điều trị bệnh. Bên cạnh đó bạn cần tuân thủ theo phương pháp phòng bệnh như thường xuyên vệ sinh môi trường nước, điều chỉnh lượng thức ăn và tăng cường Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá.

7.5 Cá Koi bị tróc vảy: Nguyên nhân khiến cho Koi bị tróc vảy là do vi khuẩn Epistylis gây ra (loại thực vật đơn bào, có kích thước nhỏ) và môi trường nước bị ô nhiễm. Để điều trị thì bạn nên sử dụng muối để tắm cho cá, đến khi cá khỏi hoặc vệ sinh nguồn nước, bể cá cảnh và điều chỉnh lại lượng thức ăn.